Khi con người lấn át tự nhiên, cái giá phải trả là vô cùng khủng khiếp

Trong trường hợp bạn đã bỏ lỡ một vài tin tức khoa học tuần vừa qua, các nhà động vật học đang khuyến khích cả thế giới tăng cường sử dụng trăn làm thức ăn để bảo vệ môi trường.

Chỉ trong vòng 3 tháng qua, đã có 4 vụ trăn nuốt người được báo cáo. Tất cả đều xảy ra ở một quốc gia Đông Nam Á, tại sao lại vậy?

Lý do bởi hoạt động chăn nuôi bò sát thải ra rất ít khí nhà kính khi so với thịt lợn, thịt bò hoặc thịt gà. Trăn cũng là nguồn “protein xanh” hơn so với cả thịt cá và côn trùng. Còn giá trị dinh dưỡng của chúng được đánh giá là tương đương.

Nhưng trong khi loài người được khuyến khích ăn nhiều thịt trăn hơn, loài trăn dường như cũng phản ứng lại bằng một thông điệp mạnh mẽ: Chúng cũng có thể ăn thịt lại con người.

Một con trăn dài gần 8 mét đã tấn công một người đàn ông ở Đảo Sumatra, Indonesia vào năm 2017. Những người dân địa phương sau đó đã bắt và giết con trăn. Họ treo xác của nó lên cho dân làng chiêm ngưỡng, trước khi cắt khúc, xẻ thịt và chia cho từng nhà.

Trong quá khứ, đã có nhiều vụ trăn hoang dã ăn thịt người được báo cáo. Hai tháng trước, một người phụ nữ ở Indonesia đã trở thành nạn nhân gần nhất của loài trăn, sau khi người ta tìm thấy cô ấy trong tình trạng tử vong, bên trong bụng của một con trăn gấm.

Các nhà khoa học cho biết trăn có đủ sức mạnh để siết chết và nuốt chửng một người trưởng thành. Và điều này đã xảy ra từ thời cổ đại. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ngày nay có một nỗi sợ mang tên “Ophidiophobia” với những sinh vật bò sát như trăn và rắn. Nó đã được di truyền trong gen, từ tổ tiên của chúng ta, những người đã đụng độ với loài trăn thường xuyên hơn.

Nam thanh niên được tìm thấy trong bụng một con trăn

Đó không phải một câu chuyện cổ tích, mà chính xác là một câu chuyện có thật ở Indonesia, quê hương của loài trăn gấm khổng lồ hoang dã. Vào ngày 25 tháng 3 năm 2017, Akbar Salubiro, nam thanh niên sống ở đảo Sulawesi được gia đình báo cáo là mất tích sau khi đi làm đồng nhưng không trở về nhà.

Một đội tìm kiếm đã được cử đi quanh khu vực phía tây của hòn đảo, bao gồm cả cảnh sát địa phương, nhưng không hề thấy tung tích của nam thanh niên sinh năm 1991.

Sau khi họ trở về nhà Salubiro vào cuối ngày, thì bất ngờ có một con trăn lớn bò vào sân nhà. Con trăn được cho là bò ra từ một đồn điền dầu cọ gần đó. Và nó di chuyển khá khó khăn vì phải mang theo một cái bụng quá lớn.

Người dân đã quyết định bắt và mổ bụng con trăn, chỉ để phát hiện ra thi thể của Salubiro ở trong đó. Con trăn đã nuốt chửng chàng thanh niên. Và một người trong làng xác nhận, hình như ông ấy đã nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ lùm cọ vào đêm hôm trước.

Thế nhưng, đó chỉ mới là điểm khởi đầu cho một chuỗi ít nhất 8 vụ trăn ăn thịt người ở Indonesia đã được báo cáo trong 7 năm gần đây.

Vào ngày 14 tháng 6 năm 2018, một người phụ nữ 54 tuổi tên là Wa Tiba ở đảo Sulawesi cũng đã bị một con trăn gấm ăn thịt khi nó bò vào vườn nhà bà. Hai năm sau, cũng tại hòn đảo này, một cậu bé 16 tuổi đã bị một con trăn gấm siết cổ đến tử vong.

Năm 2022, một người phụ nữ 52 tuổi sống ở đảo Sumatra đã mất tích bí ẩn. Một nhóm tìm kiếm đã phát hiện ra một con trăn lớn có phần phình ra trên cơ thể trong một khu rừng gần đồn điền cao su nơi bà ấy làm việc. Dân làng ngay lập tức giết và mổ con trăn chỉ để phát hiện ra thi thể nguyên vẹn của người phụ nữ mất tích.

Sang đến năm 2024, trăn liên tiếp gây ra tới 4 vụ án mạng kinh hoàng chỉ trong vòng 3 tháng ở Indonesia. Vụ việc đầu tiên ghi nhận được vào ngày 7 tháng 6, nạn nhân là một phụ nữ ở làng Kalempang, tỉnh Nam Sulawesi, bị mất tích. Thi thể của bà sau đó được phát hiện bên trong bụng của một con trăn gấm.

Chưa đầy 1 tháng sau, một người phụ nữ khác lại được phát hiện bên trong dạ dày của một con trăn ở Nam Sulawesi. Tháng 8, một con trăn ở Indonesia lại tấn công một người phụ nữ lớn tuổi và cố nuốt chửng bà nhưng đã phải nôn ra. Người phụ nữ đáng tiếc là đã chết vì ngạt thở.

Vụ việc trăn tấn công người gần đây nhất được báo cáo vào đầu tháng 9, một người phụ nữ 57 tuổi ở Indonesia bị trăn quấn tử vong. Khi nó đang nuốt được một nửa người cô ấy thì bị người chồng phát hiện và đánh đuổi. Đáng tiếc, anh đã không kịp cứu vợ của mình.

Những vụ trăn tấn công và ăn thịt người liên tiếp ở Indonesia không chỉ làm rúng động dư luận. Với tần suất báo cáo ngày càng tăng, nó đã khiến các nhà khoa học phải vào cuộc để giải thích nguyên nhân tại sao lũ trăn lại nổi loạn đến vậy?

Sức mạnh khủng khiếp của loài trăn

Trăn về bản chất là một nhóm rắn lớn, gồm có 39 loài thuộc về 10 chi khác nhau. Những con rắn này không có nọc độc, nhưng tự nhiên đã trang bị cho chúng một vũ khí giết người khác: cơ thể dài, khổng lồ cùng lực siết cơ cực mạnh – thứ có thể bóp chặt và làm ngưng tim con mồi – cùng một mục đích với nọc chạy thẳng vào tim của rắn độc.

Các loài trăn lớn nhất thế giới thường được tìm thấy ở Châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Trong đó, trăn gấm Đông Nam Á được ghi nhận là loài trăn dài nhất và nặng thứ ba thế giới, sau trăn xanh Nam Mỹ và trăn Miến Điện.

Người Dayak ở Indonesia có một truyền thuyết về loài trăn khổng lồ được gọi là Nabau. Theo như mô tả, những con trăn này dài tới 30 mét, có miệng rộng bằng cả một cái trống và do đó có thể dễ dàng nuốt chửng người.

Trên thực tế, những cá thể trăn gấm lớn nhất ở Indonesia chỉ có thể đạt tới chiều dài 7 mét và nặng 160 kg. Đường kính cơ thể của trăn gấm hiếm khi vượt quá 20 cm.

Nhưng có một chi tiết đáng chú ý, loài trăn có hàm dưới không gắn liền với hộp sọ, nên chúng có thể mở hàm cực đại lên tới 60 cm. Hãy tưởng tượng một người có thể há mồm to gấp 3-4 lần kích thước hộp sọ của mình. Đây chính là thứ vũ khí lợi hại quyết định trăn có thể ăn thịt con mồi lớn, bao gồm cả con người.

Chỉ trong vài giây, một con trăn có thể quấn những vòng xoắn thiết chặt lấy một người, cắt đứt lưu thông máu lên não, chặn đường thở không cho nồng ngực nạn nhân nở ra.

Harry Greene, một giáo sư Sinh thái học và Tiến hóa tại Đại học Cornell cho biết, trăn là loài động vật có sức mạnh đủ để giết chết người. Các cuộc tấn công người của trăn thường mở màn bằng một cú cắn mạnh vào cơ thể nạn nhân.

Sau đó, con trăn sẽ quấn lấy người và bắt đầu siết chặt cơ thể họ. “Chỉ trong vài giây, một con trăn có thể quấn những vòng xoắn thiết chặt lấy một người, cắt đứt lưu thông máu lên não, chặn đường thở không cho nồng ngực nạn nhân nở ra”, giáo sư Greene nói.

Chỉ cần một trong số những nguyên nhân đó thôi, hoặc có thể là tất cả cộng lại, nạn nhân bị trăn tấn công sẽ chết rất nhanh chóng.

“Nếu tôi mà bị trăn quấn, tôi nghĩ sẽ rất khó để tôi tự thoát ra được và cứu lấy mạng mình khi không có ai giúp đỡ”, giáo sư Greene nói. “Cái chết sẽ rất khủng khiếp và sẽ không mất quá nhiều thời gian”.

Ảnh chụp X-quang của một con trăn tiết lộ nó vừa nuốt 2 con khỉ.

Một con trăn gấm Đông Nam Á có lẽ chỉ mất vài phút để giết chết một người trưởng thành. Nhưng để nuốt được hoàn toàn nạn nhân, nó sẽ phải mất cả tiếng đồng hồ. Quá trình tiêu hóa thậm chí diễn ra lâu hơn thế, có thể lên tới vài tuần.

Đó là lý do tại sao các nạn nhân thường được tìm thấy gần như nguyên vẹn bên trong bụng trăn, sau vài ngày mất tích. Có điều, tất cả họ đã hoàn toàn tắt thở và không còn cơ hội sống.

Tại sao trăn tấn công con người?

Cần phải nói rằng, không phải đợi đến tận ngày nay, trăn khổng lồ mới trở thành nỗi khiếp sợ đối với con người.

Một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011 đã cung cấp cái nhìn hiếm có vào mối quan hệ sinh thái giữa trăn và con người, rộng hơn là những loài bò sát khổng lồ với các loài linh trưởng trong đó có tổ tiên chúng ta.

Theo đó, các nhà khoa học lập luận trăn đã tấn công con người từ thời tiền sử, bởi loài người là một trong những con mồi phù hợp với chế độ ăn của trăn. Chúng ta là động vật có vú và không quá lớn.

Ngoài ra, con người cũng săn các loài thú nhỏ là thức ăn của trăn. Nên theo các động lực tiến hóa, trăn có thể tấn công người, để giảm bớt đối thủ cạnh tranh nguồn thức ăn với chúng.

Hai thổ dân Agta cầm xác một con trăn gấm khổng lồ.

Các tác giả nghiên cứu đã chứng minh giả thuyết này của họ bằng cách khảo sát 120 người Agta, một bộ tộc săn bắn hái lượm hiện đại còn sống ở Philippines. Kết quả cho thấy tới 26% nam giới khi đi săn trong rừng đã bị trăn tấn công.

Từ năm 1934 đến năm 1973, có 6 người Agta đã bị trăn giết chết. Trong một vụ việc được kể lại, một người cha sau khi đi rừng về đã phát hiện một con trăn đột nhập nhà anh và giết chết 2 đứa con và đang nuốt một đứa bé.

Ngay lập tức, người cha vung con dao bolo của mình và giết con trăn. Sau đó, anh tìm thấy đứa con thứ ba của mình, một bé gái 6 tuổi, không hề hấn gì.

Các nhà khoa học lập luận bởi trăn đã tấn công con người từ ngàn xưa, đó là một trong những lý do khiến bộ gen của chúng ta được lập trình để khiếp sợ với loài bò sát khổng lồ này.

Không phải tự nhiên mà một số người mắc phải hội chứng sợ rắn, còn gọi là “Ophidiophobia”. “Hãy tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu cứ phải sống trong nỗi sợ hãi liên tục về một con trăn dài 7 mét rưỡi chui ra từ bụi rậm và ngoạm chân bạn”, giáo Greene nói.

Một con trăn gấm khổng lồ bị người Agta bắt được và lột da.

Nhiều loài linh trưởng là tổ tiên của loài người có lẽ cũng từng bị trăn sát hại. Tuy nhiên, bởi dịch tiêu hóa của trăn rất mạnh, chúng có khả năng phân hủy cả xương của con mồi, nên các trường hợp trăn ăn thịt người tiền sử hoặc động vật linh trưởng thường không để lại dấu vết hoặc bằng chứng.

Khi con người lấn át tự nhiên, cái giá phải trả là vô cùng khủng khiếp

Đến đây, chúng ta như đụng phải một bức tường vô hình trớ trêu. Bởi trăn có khả năng tiêu hóa tuyệt vời, chúng đang là loài động vật có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành protein hiệu quả nhất mà con người có thể dùng làm thực phẩm.

Các nhà khoa học đang khuyến khích loài người ăn trăn vì đó là một nguồn “protein xanh” có thể thay thế cho thịt bò, thịt lợn hoặc thịt gà trong ngành chăn nuôi truyền thống – đang thải ra 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính trên hành tinh.

Và cũng chẳng phải đợi đến tận bây giờ, trong khi một số thổ dân Agta ở Phillipines bị trăn ăn thịt, chính họ cũng thường bắt và ăn thịt trăn.

Hầu hết các nạn nhân của trăn ở Indonesia đều liên quan đến các đồn điền cọ.

Mặc dù vậy, tiến vào lãnh thổ của loài trăn chưa bao giờ là một hành vi an toàn. Các nhà khoa học cho biết trăn là loài săn mồi phục kích, có nghĩa là chúng sẽ rình rập bạn ở đâu đó, trong một bụi rậm hoặc trên nhánh cây, rồi bất ngờ ngoạm lấy bạn.

Hầu hết các vụ trăn ăn thịt người gần đây được báo cáo ở Indonesia, và đó không phải là điều ngẫu nhiên.

Thứ nhất, quốc đảo này sở hữu diện tích rừng mưa lớn thứ ba thế giới, chỉ sau rừng Amazon ở Brazil và rừng mưa Congo. Rừng mưa là một trong những ngôi nhà tự nhiên của trăn.

Và thứ hai, Indonesia hiện đang là nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Dầu cọ là một loại nguyên liệu dễ sản xuất, đa năng và rẻ tiền. Nó có trong một nửa số hàng hóa mà bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ một siêu thị nào trên thế giới, từ dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng cho đến pizza, bánh kẹo, sô lô la và thậm chí cả thuốc.

Mỗi năm, thế giới tiêu thụ tới 80 triệu tấn dầu cọ, nhưng chỉ có một nơi đặc biệt thích hợp để trồng loại cây này: Những hòn đảo ở Indonesia. Đây là khu vực tạo ra tới 48% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Vì việc sản xuất dầu cọ mang lại lợi nhuận nên người dân Indonesia đã bất chấp phá rừng để trồng cọ.

Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng phá rừng để trồng cọ.

Global Forest Watch, một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu và công cụ giám sát rừng, gần đây đã lưu ý: “Mất rừng nguyên sinh ở những mảng rộng hơn 100 ha chiếm tới 15% tổng diện tích rừng bị mất ở Indonesia vào năm 2023. Việc mở rộng các đồn điền công nghiệp diễn ra ở một số địa điểm liền kề với các đồn điền dầu cọ và bột giấy hiện có ở Trung Kalimantan, Tây Kalimantan và Tây Papua”.

Báo cáo cho biết thêm: “Mất rừng nguyên sinh quy mô nhỏ cũng phổ biến trên khắp cả nước vào năm 2023. Việc khai hoang nhỏ để làm nông nghiệp đã góp phần gây ra tình trạng mất mát liên tục trong một số khu vực được bảo vệ, bao gồm Công viên quốc gia Tesso Nilo và Khu bảo tồn động vật hoang dã Rawa Singkil. Những mất mát khác liên quan đến khai thác mỏ có thể thấy ở Sumatra, Maluku, Trung Kalimantan và Sulawesi”.

Đây đều là những khu vực ghi nhận trăn tấn công người, bởi mất rừng đồng nghĩa với việc quần thể trăn đang sống trong rừng không còn nơi để sinh sống. Cả quần thể con mồi của chúng cũng bị suy giảm.

Vậy nên trăn – trong nỗ lực tìm kiếm một ngôi nhà mới và những bữa ăn mới – đã bắt gặp những người nông dân trên đồn điền cọ.

Trong trường hợp bạn còn nhớ Akbar Salubiro, nam thanh niên 25 tuổi sống ở đảo Sulawesi đã bị trăn ăn thịt năm 2017, một nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng kêu của Salubiro phía sau đồn điền cọ trước một ngày thi thể của anh ấy được tìm thấy trong bụng trăn.

Bốn trong số 7 nạn nhân tiếp theo của trăn gấm từ năm 2018 đến 2024 ở Indonesia đều liên quan đến những đồn điền cọ.

Nhiều người vô tư nuôi trăn làm thú cưng mà không biết loài vật này rất nguy hiểm.

Năm 2018, một nam thanh niên 31 tuổi người Mỹ đã bị một con trăn mà anh nuôi siết cổ đến tử vong.

Thế nhưng, trăn hoang dã không phải là những con trăn duy nhất sống trên hành tinh này. Trên thế giới có hàng triệu cá thể trăn đang được nuôi nhốt để lấy thịt và lấy da, phục vụ ngành thời trang cao cấp.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy trong môi trường nuôi nhốt trăn có thể gặp căng thẳng và trở nên hung hăng hơn thường lệ. Chúng có thể ăn thịt đồng loại và thậm chí tấn công con người.

Trong khi nhiều người coi trăn là một loài động vật hiền lành, không độc và có thể nuôi làm thú cưng, đã có những vụ việc trăn tấn công và giết chết chủ nuôi được ghi nhận.

Chẳng hạn như năm 2018, một nam thanh niên 31 tuổi người Mỹ đã bị một con trăn đá Châu Phi mà anh nuôi làm thú cưng siết cổ đến tử vong. Thi thể của anh ấy đã được phát hiện trong phòng ngủ, với các mạch máu trong mắt bị vỡ do lực siết quá mạnh, còn con trăn đá thì đã biến mất khỏi chuồng của nó.

Tất cả những điều này cho thấy một thông điệp rõ ràng được gửi đến con người từ phía loài trăn: Chúng không phải trò đùa, hãy luôn giữ khoảnh cách và biết sợ hãi, Ophidiophobia!

Nguồn: Natgeo, Washingtonpost, Cornell

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *